PDA

View Full Version : Một phát hiện khi lãnh đạo xem bóng đá


RRRRRRR
12-22-2010, 08:01 PM
Hầu hết mọi người xem các trận thi đấu của đội tuyển quốc gia đều thấy tivi quay cảnh một số lãnh đạo cấp cao ngồi trên khán đài xem các trận đấu bóng quan trọng của đội tuyển quốc gia với một đội trong khu vực. Nhưng đã có ai suy ngẫm thử xem hình ảnh các lãnh đạo cấp cao xem bóng đá gợi cho chúng ta một điều gì không ?
Quả thực, tôi rất thích xem hình ảnh này trên tivi. Nhưng không phải là tôi thích ngắm nhìn lãnh đạo mà tôi muốn xem khi một lãnh đạo cấp cao xem bóng đá thì vị lãnh đạo đó thể hiện những gì. Cái thú này của tôi có lẽ xuất phát bởi tâm lý. Vì cá nhân tôi thấy hầu hết các lãnh đạo nước mình có thể yêu dân đấy, hy sinh vì dân đấy...nhưng trong cuộc sống thường nhật lại rất...xa cách dân.
Bởi thế mà có một lần những người khách ăn sáng trong một quán phở trố mắt nhìn một vị Bộ trưởng cũng đến ăn phở. Người ta cho đó là sự lạ. Một người khách trong quán phở sau đó bình luận: "Có lẽ ông Bộ trưởng này sắp nghỉ hưu nên mới ra phố ăn phở với dân". Trong khi đó, ở các nước Châu Âu như Na-uy thì nguyên thủ nước này vẫn nhiều lúc đạp xe đạp đi làm như một công chức bình thường.
Có lẽ vì người dân ít có dịp gặp gỡ, chứng kiến các lãnh đạo trong đời sống thường nhật ngoài giờ làm việc nên chuyện một vị lãnh đạo xuất hiện trên khán đài sân vận động Mỹ Đình làm tôi nhìn cứ như "dán mắt" vào ấy để xem vị lãnh đạo đó có xem bóng giống người bình thường không. Và qua nhiều lần quan sát một cách hào hứng, tôi phát hiện ra một điều như phát hiện ra một châu lục mới: vị lãnh đạo đó cũng xem bóng đá như mọi người hâm mộ khác trên sân.
Như mọi người hâm mộ khác là cũng hò hét, cũng căng thẳng, cũng nhảy lên khi đội tuyển nước nhà đá thủng lưới đối thủ và cũng kêu lên tiếc nuối hay thất vọng khi đội tuyển nước nhà bỏ lỡ một cơ hội. Và khi đội tuyển nước nhà thất bại trong trận đấu đó thì vị lãnh đạo kia cũng ra về với gương mặt chẳng vui chút nào. Điều đó thật sự tuyệt vời, thật sự ấn tượng, thật sự xúc động và thật sự gần gũi với người dân.

http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/assets/images/HLV-tos.jpg

Sau khi phát hiện ra "châu lục mới" ấy, ngồi đâu tôi cũng nói với bạn bè về điều đó. Ai cũng ngớ ra và buột kêu lên: "Ừ, đúng thế". Tất cả đều có một trạng thái tình cảm giống tôi là thấy vị lãnh đạo kia vô cùng gần gũi và hòa nhập với mình đến thế hay nói theo một khía cạnh khác là vị lãnh đạo đó thấy khán giả (nhân dân) trên sân sao cũng có cùng cung bậc tình cảm với mình đến thế chứ lị. Đúng là "Tướng sỹ một lòng phụ tử/ Hòa nước sông chén rượu ngọt ngào" và chẳng có gì khác biệt, chẳng có gì đối lập, chẳng có gì cá nhân... Tất cả hòa làm một.
Nhưng rồi đến một lần, một người bạn lên tiếng hỏi: Đố các ông biết vì sao trong lúc xem bóng đá vị lãnh đạo kia lại hòa đồng với dân (người xem) thành một khối bền vững đến như thế? Một câu hỏi không tệ phải không các bạn? Và tôi đã trả lời câu hỏi ấy như sau:
Một: Vì lúc đó vị lãnh đạo kia và người dân (khán giả) có cùng một tình yêu: yêu đội tuyển nước nhà.
Hai: Vì lúc đó vị lãnh đạo kia có cùng một khát vọng với người dân (khán giả): khát vọng chiến thắng.
Ba: Vì lúc đó vị lãnh đạo kia có cùng lợi ích với người dân (khán giả): niềm vui chiến thắng.
Bốn: Vì lúc đó vị lãnh đạo kia có cùng sự "mất mát" với người dân (khán giả): đội tuyển thua.
Chính vì bốn lý do cơ bản này mà trong những trận đấu của đội tuyển vì màu cờ sắc áo, những người lãnh đạo trên khán đài và hàng chục vạn người hâm mộ khác (nhân dân) đã hòa thành một khối không thể tách rời. Nỗi buồn của người này cũng là nỗi buồn của người khác. Niềm vui của người này cũng là niềm vui của người kia. Lợi ích của một người cũng là lợi ích của muôn người. Hình ảnh đó luôn luôn làm tôi xúc động.
Sân bóng lúc đó giống như đất nước thu nhỏ mà thôi. Và đất nước chúng ta đã có những năm tháng như vậy. Chính vì thế mà dân tộc chúng ta đã vượt qua được những mất mát vô cùng lớn lao và những thách thức vô cùng khó khăn để làm nên những trang sử hào hùng.
Còn đất nước chúng ta bây giờ....làm tôi cứ mơ đất nước mình lúc nào cũng là một sân bóng và lúc nào cũng có những trận đấu vì màu cờ sắc áo như thế. Tôi chỉ nói vậy thôi vì chưa nói hết câu thì mọi người đã hiểu hết rồi. Nếu tôi nói thêm lại chẳng hóa là người lắm lời hay sao.

(Theo TuanVietNam)

meomuop_meomeomeo
12-22-2010, 11:00 PM
Hôm thứ 6 tuần trước, sếp mời phòng Kỹ thuật đi ăn và hát Karaok...Phòng hát rộng, 34 người vẫn có chỗ để nhảy nhót, mọi người quây quần và cười đùa...bất chợt để ý thấy lãnh đạo đến, ngồi một góc, một số lãnh đạo khác cũng đến, ngồi cùng...Căn phòng tự nhiên phân chia thành 2: Sân khấu và một khu các thành viên khác ngồi, một góc nhỏ, các lãnh đạo ngồi...ngồi và nhìn mọi người...Xếp nhắc vác chai bia qua mời...mon men qua...các lãnh đạo lắc đầu và nhìn đi chỗ khác làm lơ...
Lại hỏi chị cùng phòng:
-"Sao các anh chị kia ngồi một góc thế ạ?Sao phòng mình không ai ngồi cùng ạ..."
-...."Chả biết tại sao em ạ! (cười)..chỉ biết là chẳng ai thích..."
Cứ tưởng trong phạm vi thời gian làm việc một ngày của các xếp, vẻ lạnh lùng thể hiện vị trí và văn hóa của doanh nghiệp...Hóa ra ngoài giờ làm việc, khi mọi người thoải mái vì một dịp vui...điều đó vẫn tồn tại...Tự nhiên sau hôm đó, mình chẳng bao giờ dùng từ lãnh đạo như mọi người trong phòng dành cho mấy vị đó cả...chỉ gọi theo chức vụ...

Hay là Bia khác Bóng đá nhỉ? :| >"<

RRRRRRR
12-23-2010, 12:21 AM
Cũng hay! Có lẽ hoàn cảnh hơi khác đôi chút. Ngày trước, khi đi làm Sale cho 1 công ty truyền thông, có vài lần đi hát cùng sếp tổng sếp phó, thấy không khí vẫn vui vẻ, sôi nổi như bình thường, bia uống càng hăng, có khác tí tẹo là không chơi mấy trò kiểu "sinh viên" quá mức được thôi. :D

Cũng tùy vào sếp nữa, mình nghĩ, người lãnh đạo phải thể hiện được uy thế và vai trò của mình trong công việc, nhưng cũng nên biết cách hòa mình vào với nhân viên lúc vui vẻ, ăn uống, hát hò,... Có vậy mới đánh thức được cái "tâm" trong công việc của nhân viên, "sợ" và "nể" cũng là 2 phạm trù khác nhau mà.

Bóng đá có lẽ mang nhiều màu cờ sắc áo hơn, đúng như lí do mà tác giả bài viết đã đưa ra:
Một: Vì lúc đó vị lãnh đạo kia và người dân (khán giả) có cùng một tình yêu: yêu đội tuyển nước nhà.
Hai: Vì lúc đó vị lãnh đạo kia có cùng một khát vọng với người dân (khán giả): khát vọng chiến thắng.
Ba: Vì lúc đó vị lãnh đạo kia có cùng lợi ích với người dân (khán giả): niềm vui chiến thắng.
Bốn: Vì lúc đó vị lãnh đạo kia có cùng sự "mất mát" với người dân (khán giả): đội tuyển thua.