Deprecated: Assigning the return value of new by reference is deprecated in /home/muathoig/public_html/diendan/printthread.php on line 119
RA LÀ VẬY ^_^ KNOW HOW! - Sưu tầm các bài viết của đạo diễn Lê Hoàng
RA LÀ VẬY ^_^ KNOW HOW!

RA LÀ VẬY ^_^ KNOW HOW! (http://muathoigian.vn/diendan/index.php)
-   Cùng cảm nhận (http://muathoigian.vn/diendan/forumdisplay.php?f=43)
-   -   Sưu tầm các bài viết của đạo diễn Lê Hoàng (http://muathoigian.vn/diendan/showthread.php?t=27344)

luomlat_goo 09-15-2012 04:19 PM

Sưu tầm các bài viết của đạo diễn Lê Hoàng
 
1. Lê Hoàng viết "tâm thư" gửi học sinh sắp ra trường

"Bất thường - bất thường - bất thường hơn nữa. Thầy kêu gọi các em như thế...", vị đạo diễn tài hoa Lê Hoàng bất ngờ khác hẳn mọi khi, ông không viết về giới showbiz nữa mà viết một bức thư mượn lời một hiệu trưởng nhắn nhủ học sinh sắp ra trường.

Các em thân mến!

Hôm nay là này cuối cùng của năm học cuối cùng. Chỉ vài tiếng nữa thôi các em sẽ tốt nghiệp ra trường. Giờ phút này những tiếng trống đang vang lên, không phải trống báo vào lớp hay trống tan học, mà trống tạm biệt. Những tiếng trống kết thúc của thời kì phổ thông khiến thầy tin đang làm các em nghẹn ngào, dù là em ngoan hay em ương bướng bởi trong sâu thẳm tâm hồn các em vẫn là những đứa trẻ thơ.

Các em thân yêu!

Lễ tốt nghiệp nào cũng phải kết thúc bằng một bài diễn văn. Toàn thế giới đều như vậy và chúng ta cũng thế. Trong phần lớn các diễn văn đó, các ông hay các bà hiệu trưởng đều ca ngợi học sinh như những con người phi thường, giúp cho các em tin tưởng một cách mãnh liệt sâu sắc về khả năng thay đổi hành tinh, thay đổi xã hội cũng như thay đổi cá nhân mình.

Những bài diễn văn kiểu đó không sai hoặc từ lâu rồi chẳng ai dám nghĩ rằng sai bởi làm cho con người tự tin, cảm thấy có tài, có sức mạnh vốn là một nhiệm vụ quan trọng của giáo dục.Nhưng vừa rồi ở bên Mỹ đã có một ông hành động khác. Ông ta tuyên bố tất cả các em đều bình thường, thậm chí có thể tầm thường. Đừng nuôi ảo tưởng và đừng nghĩ rằng cả trái đất đang náo nức và đang sốt ruột chờ các em vươn tay ra cải tạo. “Chả hề có chuyện đó” - ông ấy nhấn mạnh. Nếu các em không cố gắng, các em còn lâu mới sống cho ra hồn chứ đừng nói đến việc trở thành các vĩ nhân.

http://imgs.vietnamnet.vn/Images/201...20173743_h.jpg
Lê Hoàng

Bài diễn văn của ông ta đã gây nên một cơn bão. Kẻ phản đối cũng nhiều và người ca ngợi cũng lắm. Với tư cách một nhà sư phạm, có nghĩa là nhà khoa học, thầy nghĩ rằng bất cứ cái gì, tuy chưa rõ đúng sai những gây ra tranh luận nhiều chiều đều lợi ích cả.

Vậy giờ phút này đứng trước các em, với tư cách một hiệu trưởng, thầy phải tỏ thái độ thế nào? Đó là điều thầy đã cân nhắc nghiêm túc suốt đêm qua. Cũng thành thật với các em, chả phải lúc nào thầy cũng trăn trở như vậy. Đã có nhiều năm thầy đọc đi đọc lại một bài diễn văn soạn sẵn giống hệt nhau, chỉ thay đổi ngày tháng, nhưng bây giờ thầy không cho phép mình làm thế do đây chẳng những là ngày cuối cùng của các em mà rất có thể cũng là những ngày cuối cùng của thầy trên cương vị hiệu trưởng. Trong cuộc đời chúng ta những giờ phút cuối cùng luôn luôn cần trung thực!

Các em thân yêu!

Nếu bảo rằng các em vĩ đại và khác thường thì thầy rõ ràng không tin. Với chất lượng sách giáo khoa, với khả năng và lương tâm các thầy cô, với sức tiếp thu quen thụ động và một chiều, với hoàn cảnh sống còn nhiều vất vả, rất ít lý do để các em trở thành những nhà khoa học hay nhân văn học có tư duy sáng tạo phi thường, đột phá. Các em chỉ là học sinh phổ thông mà chữ phổ thông không là bạn thân của chữ đỉnh cao. Điều ấy hoàn toàn có cơ sở chứng minh.

Nhưng nếu bảo các em là tầm thường thì thầy kiên quyết phản đối, con người chúng ta là sinh vật tiên tiến nhất trên trái đất, và nhiều khả năng trên vũ trụ. Vô số thứ con người trong đó đương nhiên có các em làm ra đã vượt xa mọi sức tưởng tượng. Không lý do gì sự tầm thường lại góp phần trong những thành tựu đó. Và dù các em có lên lớp không đều, có tiếp thu nhiều bài giảng một cách khập khiễng thì vẫn phải công nhận đó là những kiến thức đã được tích tụ cả ngàn năm. Không thể có con người tầm thường, cũng như không thể có con vịt hoặc con gà cao quý.

Vậy các em là ai? Hay nói chính xác hơn các em sẽ là ai? Đã tới thời điểm mà câu hỏi này đã phải đặt ra. Nhân đây xin tuyên bố nếu cá lớn lên nhờ nước, cây lớn lên nhờ đất và hoa nở nhờ ánh sáng mặt trời thì chúng ta phải lớn lên bằng câu hỏi. Chừng nào ngừng đặt câu hỏi, chừng đó chúng ta đã ngừng tồn tại. Theo cá nhân thầy, các em không trở nên là kẻ bình thường, cũng không thể là kẻ phi thường. Các em hãy là những con người 'bất thường'.

Sự bất thường hiểu theo nghĩa chân chính của nó là một hành vi không thể dự đoán được. Sự bất thường khiến ta có thể đúng, khiến ta có thể sai nhưng rất, rất nhiều lúc khiến ta tìm được những kết quả chưa ai ngờ tới, khiến xung quanh ta phải nhìn sự vật một cách khác đi.

Trong một xã hội chân chính như xã hội các em đang sống, nhìn cái xấu rất dễ, nhìn cái tốt cũng chả khó khăn bao nhiêu nhưng hiểu cách khác luôn luôn là chuyện cần nỗ lực, cần tranh cãi và cần sự vươn cao.

Các em hãy bất thường đi. Không phải trong sinh hoạt, trong quần áo hay đầu tóc càng không nên trong ăn uống. Đấy là những thứ bất thường vớ vẩn dùng cho những kẻ tầm thường trong nhận thức. Các em phải bất thường trong mỗi cách đưa ra vấn đề, trong mỗi cách tìm hiểu cuộc sống và giải quyết nó. Đấy là lời căn dặn của thầy.

Muốn như thế điều cơ bản nhất là các em phải biết từ bỏ các thói quen, các kiểu tư duy rập khuôn với người khác. Cũng theo thầy, thói quen là kẻ thù nguy hiểm nhất của chúng ta, đặc biệt là những thói quen lặp đi lặp lại khiến ta tưởng đó là chân lý. Trong văn hóa, trong khoa học, trong nghệ thuật thói quen sẽ trở thành một con đường mà dù có phóng xe trên đó với tốc độ cao bao nhiêu thì đích tới cũng là cái đích cũ, đầy những cá nhân ở đó trước rồi, các em nên ghi nhớ điều này.

Bất thường- bất thường - bất thường hơn nữa. Thầy kêu gọi các em như thế. Bất cứ điều gì cũng phải thắc mắc, bất cứ công việc nào cũng phải đặt dấu hỏi, bất cứ vấn đề ra sao cũng phải tránh xa các kết luận có sẵn. Đấy chính là điều thầy mong các em nên làm.

Thầy cũng chả giấu diếm rằng như thế đôi khi khá nguy hiểm… Có thể làm các em trở nên đơn độc, hoặc trở nên bị xa lánh với một đám đông. Nhưng nếu mỗi quốc gia đều hòa nhập chứ không hòa tan thì mỗi con người cũng nên bắt chước điều này.

Các em học sinh yêu quý của thầy !

Những tiếng trống cuối cùng sắp chấm dứt. Thầy không biết bài diễn văn này có thể coi là một tiếng trống hay tiếng súng. Nhưng tận đáy lòng thầy chỉ mong các em được thôi thúc vào đời với trái tim dũng cảm, với kiến thức tuy còn sơ sài nhưng không ngại bổ sung và với một nghị lực phi thường để đạt tới những đỉnh cao khác thường mà đất nước chúng ta đang mong đợi các em.

(Theo GDVN)

luomlat_goo 09-15-2012 04:23 PM

2. Lê Hoàng viết về Ngọc Trinh: Tại sao đàn ông chỉ lo cho đứa ngốc?


Câu nói của hoa hậu quốc tế Mỹ Ngọc Trinh (thi ở bên Mỹ, lại có nhiều nước tham gia thì chả gọi “quốc tế” gọi là gì?) “Khi chị giỏi, chị sẽ không gặp được những người đàn ông lo lắng cho mình” đã trở thành nổi tiếng.

Chỉ có kẻ điên mới nghi ngờ câu nói đó. Đơn giản, vì nó do hoa hậu phát ngôn ra. Muốn trở thành hoa hậu đâu có đùa. Trên đất nước khác cả triệu cô gái tốt nghiệp đại học, cả ngàn cô tốt nghiệp tiến sĩ trong khi hoa hậu ngoảnh đi ngoảnh lại chỉ vài chục cô, đủ biết khó khăn phức tạp như thế nào.

Chưa kể thi đại học còn gian lận hồ sơ, quay cóp bài vở chứ thi hoa hậu diễn ra hết sức công khai, đến thân thể còn nhiều lúc lộ thiên nói gì tới kiến thức. Hoa hậu nói là phải tin thôi.

http://imgs.vietnamnet.vn/Images/201...27162847_1.jpg
Ngọc Trinh

"Tôi phụ thuộc và cảm thấy thoải mái, thấy mình may mắn hơn những phụ nữ khác vì có được người đàn ông thương mình và lo lắng cho mình. Mọi thứ có số hết. Khi chị giỏi, chị sẽ không gặp được những người đàn ông lo lắng cho mình” - Ngọc Trinh

Thứ hai, không lo thì thôi, đã lo phải lo cho gái xinh, dù bản thân mình có xấu. Chả thế mà có phim Quái Vật với Người Đẹp hoặc có truyện thằng gù Quasimodo với cô gái dễ thương Esmeralda.

Chưa thấy anh nào sốt sắng lo cho phù thủy. Trường hợp Chí Phèo lo cho Thị Nở là rất hiếm và cũng chỉ lo vài ngày rồi chán ngay.

Vì một cô gái xinh, đã không biết bao nhiêu anh bỏ vợ bỏ con, bán cửa bán nhà, chuyện ấy chỉ có ngốc mới không biết.

Đã vậy, hoa hậu còn là xinh của cực xinh hay nói theo ngôn ngữ dân gian là đỉnh của đỉnh, thế thì lo cho hoa hậu một cách toàn tâm toàn ý, lo đến quên cả thân mình cũng chả có gì sai.

Ngọc Trinh tuyệt ở chỗ biết căn dặn chị em muốn được lo phải đừng tỏ ra mình giỏi. Trời ơi, lời dặn dò ấy mới thông minh làm sao, nếu không phải hoa hậu có trí tuệ siêu phàm chắc chắn không thể nghĩ ra được. Bởi Ngọc Trinh biết quá rõ lũ đàn ông. Chúng có một khoái cảm vô bờ khi cảm thấy mình trở thành kẻ mạnh mẽ, che chở, đùm bọc. Mà tự cổ chí kim, có ai che chở tiến sĩ, có ai che chở giáo sư, có ai che chở giám đốc hoặc chủ tịch hội đồng quản trị? Phải che chở nữ sinh, phải che chở cô thiếu nữ ngây thơ ngơ ngác, mắt đen láy và mở to tròn mới đúng luật.

Tiếp xúc với gái ngốc, hay theo lời Ngọc Trinh, gái không giỏi mới hạnh phúc làm sao. Hơi một tý là chúng nép vào ta, cái gì chúng cũng nhờ ta giảng giải, vật nào cũng muốn ta mua giúp. Gái ngốc chả biết ai già hay ai trẻ, ai có vợ hay ai còn trai tráng, càng chả biết tiền của đàn ông từ trên trời rơi xuống hay lao động khổ sai mà có. Gái ngốc cũng chả biết đắt rẻ thế nào, đòi mua túi xách LV mà cứ giản đơn như đòi mua cái kẹo, khiến ta vừa rút tiền ra vừa mê mẩn.

Xét ra, những cô nàng kém thông minh nhất là những cô cả cuộc đời cứ học quần quật, không biết phấn son là gì, không biết trang điểm là gì, xa lạ với váy ngắn hoặc mái tóc đen mượt óng ả, cả đời chỉ đầu bù tóc rối hoặc đeo kính cận dày cộp, nhìn đâu cũng thấy những vấn đề của thế giới chứ không thấy nổi vấn đề của bản thân mình và vừa khó tính, vừa cau có lại vừa khô khan. Những gái như thế đàn ông lo làm gì và lo cái gì? Chả lẽ lại mua tặng từ điển, mua tặng giẻ lau kính?

Hỡi đàn bà, khôn hồn thì thông minh cũng phải giấu đi. Muốn được đàn ông chăm sóc, lo lắng hoặc mua nhà mua xe thì phải khờ dại, phải chớp chớp mắt, phải như Xuân Diệu đã viết “Chỉ biết yêu thôi chả biết gì”!

Cám ơn Ngọc Trinh. Với tư cách là đương kim hoa hậu quốc tế tại Mỹ (rõ ràng là hơn hẳn nếu tại Ma rốc hoặc tại Campuchia) ở chỗ đã khẳng định một chân lý mà xưa nay một vài đứa còn nghi ngờ. Với tuyên bố của mình, Ngọc Trinh đã đập tan những luận điệu có tính tuyên truyền lừa bịp, cho rằng với nhân loại nói chung và phụ nữ nói riêng, kiến thức là điều rất quan trọng. Thực ra, kẻ có trí tuệ chính là kẻ tỏ ra ngốc một cách sâu sắc và toàn diện!

Theo Lê Hoàng / Duyên dáng Việt Nam

luomlat_goo 09-15-2012 04:28 PM

3. Lê Hoàng: Dân Hà Nội khinh tiền và người có tiền thế nào?

"Trên mảnh đất thần thánh này, tiền chả là cái gì hết, điều đáng quan tâm là thái độ kiên nhẫn, khả năng chịu đựng, ít giục giã, sẵn sàng nói to và sẵn sàng nghe người khác nói to"- đạo diễn Lê Hoàng.

Tiền là nguyên nhân của nhiều tệ nạn đến nỗi cơ quan vũ trụ Mỹ - Nasa đã từng tiết lộ: khi phi hành gia lần đầu tiên trên trái đất đặt chân lên mặt trăng, nhìn cảnh vật ông ấy đã thốt lên “ Ôi, yên bình quá, ở đây không có tiền”.

Do vậy, tỏ ra khinh tiền hay nói cách khác khinh những kẻ có tiền luôn luôn là một nhiệm vụ cao quý, cấp bách đặt ra một cách hối thúc cho toàn thể loài người ở mọi tầng lớp, mọi địa phương, mọi quốc gia, và Hà Nội, tuyệt vời thay Hà Nội chính là một trong số nơi ít ỏi dẫn đầu công việc đó.

Nếu bạn đến Hà Nội với một trái tim nhiệt tình, cháy bỏng, một nụ cười trong sáng và một cử chỉ tao nhã bạn chắc chắn sẽ được đón tiếp nồng hậu. Hà Nội sẽ nắm tay bạn, bay bổng cùng bạn hoặc ôm bạn vào lòng, vừa ôm vừa siết. Nhưng nếu bạn liều mạng bước vào mảnh đất Ngàn năm văn vật ấy với một túi tiền, cam đoan bạn sẽ bị nghi ngờ, bị lạnh nhạt, thậm chí bị cau có và ghét bỏ.

Cứ thử xách tiền vào một quán ăn thủ đô mà xem, dù cổ bạn có đeo dây chuyền vàng to như sợi xích hoặc tay bạn có đeo nhẫn kim cương lớn như quả bưởi thì bạn cứ xếp hàng, cứ ngồi chờ. Đôi lúc chờ tới “ toạc cả mồm” mà vẫn phải im lặng, đừng có đòi hỏi thứ này thứ khác lôi thôi.

http://imgs.vietnamnet.vn/Images/201...3331_hoang.jpg
Lê Hoàng tám về chuyện tiền

Có thể nói không ngoa, sự "trọng nghĩa khinh tiền" của Hà Nội thấm vào trong từng tấc đất, nhưng đặc biệt nổi bật và sâu sắc ở những nơi mang tính dịch vụ. Vào các nơi đấy mà bạn cậy quen biết ? Được! Cậy đẹp trai hay đẹp gái? Cũng được! Cậy học thức? Nhiều khả năng được luôn! Nhưng cậy tiền là hỏng bét.

Truyền thuyết kể rằng, có một gã nhà giàu suốt đời nuôi gà, nuôi vịt dưới quê; sau đó bán được một bọc tiền to vác lên Hà Nội khệ nệ. Bước xuống bến xe, ngay lập tức lão được dân xe ôm hất hàm hỏi (vừa hất hàm vừa ngồi trên yên): "Ê, đi không anh già?"

Chả hiểu nhiễm đâu ra thói tự ái tiểu tư sản, lão nhà giàu không đi. Lê bước vào một hàng cơm nhỏ vừa ngồi xuống thì bị bà chủ hàng the thé: "Ăn gì? Nói nhanh, không ăn thì biến."

Đói quá nên gã phải ăn. Ngồi xuống chiếc ghế chung quanh la liệt những mẩu giấy chùi mồm như một đàn bươm bướm xanh đỏ dưới đất, nhai được ba miếng thì nước mắm hết, gã mon men hỏi xin thêm, tức thì bà chủ quán gào lên “sang kia mà lấy, vẽ chuyện”.

Nhân đây khi bước vô Hà Nội, mặc dù bạn chưa từng bao giờ là họa sĩ, cả một đời chưa cầm tới bút lông, bạn cũng có thể trở thành kẻ “vẽ chuyện”. Đó là danh từ bạn được phong tặng khi bạn đòi hỏi người khác, và hi vọng người khác phải phục vụ mình sau khi nộp tiền.

Không ai sinh ra để làm nô lệ cho ai, đặc biệt là những công việc nô lệ vặt vãnh như mang nước, như bưng bê, như xếp dọn… Một số dân Hà Nội hôm nay hiểu rõ điều này. Đừng nhân danh cái gì bắt họ làm những chuyện ấy, nhất là đừng nhân danh tiền bạc khi sử dụng dịch vụ. Người Hà Nội ưu tiên cho những nhân viên khoáng đạt, hào sảng, khỏe khắn, phong trần. Những nhân viên kiểu đó nói to, cười lớn, thân mật vỗ vai khách, phát vào lưng khách hoặc nắm tay khách lôi đi một cách tự nhiên, đột ngột đầy ngẫu hứng và táo bạo.

Hà Nội không xếp người theo địa vị, mọi lao động đều cao quý và hơn nữa cao quý như nhau. Vào cơ quan phải lễ phép với bảo vệ, đi ô tô phải năn nỉ tài xế là những cử chỉ được dân Hà Nội khuyên dùng.

Những đứa có tiền và tin tưởng một cách mơ hồ tiền sẽ mang lại hạnh phúc, chỉ ở Hà Nội vài bữa là được cải tạo toàn diện. Có tiền cũng cứ ngồi vỉa hè mà ăn, cứ cốc mẻ mà uống, lôi thôi thì "biến”. Tất nhiên những kẻ như thế, phần lớn chả phải Tôn Ngộ Không, chẳng biết biến đi đâu và biến vào đâu nên cứ phải cắn răng đứng đấy.

Một số cá nhân ngu ngốc từng phát biểu “Tiền là Tiên là Phật, là sức bật của tuổi trẻ…”. Chỉ nói vài câu đã biết ngay những kẻ đó chưa tới Hà Nội. Trên mảnh đất thần thánh này, tiền chả là cái gì hết, điều đáng quan tâm là thái độ kiên nhẫn, khả năng chịu đựng, ít giục giã, sẵn sàng nói to và sẵn sàng nghe người khác nói to. Những đức tính như thế bảo đảm cho bạn sống yên ổn và phấn khởi. Đừng dại dột hay ảo tưởng đặt mình vào địa vị của thượng đế bởi Hà Nội là đất học hành, ai cũng biết thượng đế không tồn tại.

Những kỉ niệm sâu sắc mỗi lần ra Hà Nội ùa về khi đất trời trở lạnh, khi mùa thu đến cứ khiến lòng ta chợt trào dâng một nỗi buồn man mác, nghẹn ngào rất khó tả. Như một câu hát đã ngân lên: "Ở nơi ấy có một người mà tôi mến yêu." Ở nơi ấy có một quán hàng mà tôi sợ hãi và ở nơi ấy có một bà chủ khiến tôi run run. Tiền bạc là nhất thời, tình yêu là mãi mãi.

Theo Giaoduc.net.vn

luomlat_goo 09-16-2012 09:34 PM

Lê Hoàng: Hà Hồ hát có ai giật mình đâu!
 
Cùng nghe Lê Hoàng "chém" vị giám khảo đang hot hiện nay, Hồ Ngọc Hà.


"Ở Giọng hát Việt, quan trọng là giọng hát hay hay dở, không phải là hát cái gì" - Hà Hồ.

Phát biểu của Hồ Ngọc Hà như trên đúng vô cùng. Đúng vì đầu tiên cô ấy xinh đẹp. Người đẹp nói gì mà chả là chân lý. Mà chả cần nói, chỉ cần cười, chỉ cần nghiêng đầu hay liếc mắt cũng chả ai dám cãi rồi.

Cá nhân tôi, nếu gặp Hà, cô chỉ con gà bảo đấy là vịt, tôi cũng vội vã tin ngay.

Đúng tiếp theo do Hà đang làm giám khảo. Trên đời này có 3 dạng người: trọng tài đá bóng, quan tòa và giám khảo đã nói thì chả khi nào sai được. Chả tin cứ tới pháp đình, đã thấy đứa nào cãi quan tòa sau đó thoát tội chưa?

Đúng thứ ba là do Hà là ca sĩ. Ai mà không biết ca sĩ chả phải dân thường. Đặc biệt là ca sĩ ngôi sao. Cả nước chỉ có vài người, cả cuộc thi chọn được có 4 vị, đâu phải tự dưng mà được. Ví dụ nổi tiếng như Củng Lợi hay Rô nan đô thử xin vào đấy xem có được không. Chắc chắn không! Thậm chí xin thi còn chưa được nói gì xin chấm.
Nhưng điều quan trọng nhất khiến Hà nói đúng là nội dung các “nhạc phẩm” hiện nay có gì để chú ý, để quan tâm nào? Nhắm mắt, nhắm tai, nhắm mũi cũng biết chỉ bao gồm: anh yêu em, em yêu anh, anh yêu em mà em có chồng, em yêu anh mà anh đã đi xa (chả bao giờ tiết lộ đi đâu), anh yêu em mà chúng ta xa cách (chả bao giờ hiểu xa tới cỡ nào), hoặc em yêu anh sao anh không biết, hay có biết cũng lờ đi.

Nếu sâu sắc hơn nữa, thì anh yêu mà trái tim buốt giá, em yêu mà cả tim cả gan cả dạ dày đều tan nát. Anh yêu trong cô đơn, em yêu trong lạnh lùng hoặc cao lắm là trong bão tố. Cứ loanh quanh như thế, xào đi xào lại như đĩa rau muống xào trên chảo mỡ.

http://imgs.vietnamnet.vn/Images/201...9143232_ho.jpg

Các bản nhạc chỉ cho mọi người hiểu tình yêu là đau khổ, là tuyệt vọng, là chết từng giai đoạn hay chết cả cuộc đời chứ không hề có nội dung gì khác. Ví dụ bạn muốn mua xăng, sẽ không có bài hát nào chỉ ra cây xăng ở đâu bán rẻ. Ví dụ bạn bị kẹt xe, chả nhạc phẩm nào cho biết mấy phút nữa thì hết kẹt.

Còn nếu bạn phải vào bệnh viện, âm nhạc cũng chả giúp cho biết phải tới bác sĩ nào và mua thuốc ở đâu sẽ không quá đắt. Còn biết bao những bức xúc trong cuộc sống mà âm nhạc không thể chỉ ra. Nào giữ xe quá giá, nào trái cây nhiễm độc, nào người mẫu lộ hàng… Tuyệt nhiên chả thấy các nhạc sĩ đả động. Đừng nói chuyện của kẻ khác, chuyện của chính mình cũng chả thấy giới sáng tác đưa vào lời ca. Album không được cấp phép, bài hát bị chôm hay tiền cát sê bị bầu sô ăn chặn cũng chả thấy ai đưa vào giai điệu.

Nói tóm lại âm nhạc hoàn toàn chả có thông tin, chả hề thông báo, cảnh báo hoặc kính báo điều gì cho khán giả. Nghe hát chả ai giật mình, chả ai toát mồ hôi, chả ai xem lại túi tiền hoặc quyết định thi đại học nên vào khoa nào, trường nào cả. Vậy thì hát gì mà chả được, hát với ai chả được, hát chỗ nào chả được, có gì khác lạ đâu, miễn có giọng và miễn dám hát. Có ai giao nhiệm vụ gì cho mình đâu mà mình phải hoàn thành một cách vẻ vang?
Hồ Ngọc Hà thật vô cùng chí lý. Thậm chí nếu cô ấy không xinh đẹp đến như vậy thì vẫn chí lý như thường. Ai dám cãi giơ tay chứ tôi tâm phục khẩu phục hoàn toàn!

Theo Lê Hoàng, DDVN

thang 06-07-2013 11:18 AM

phong cách, đạo diễn Lê Hoàng
 
khẩu khí, bút pháp, phong cách rất...Lê Hoàng!


Múi giờ GMT. Hiện tại là 04:50 PM